Lịch sử Tây_Nguyên

Trước thế kỷ XIX

Vùng đất Tây Nguyên từ xưa vốn là vùng đất tự trị, địa bàn sinh sống của các bộ tộc thiểu số, chưa phát triển thành một quốc gia hoàn chỉnh, chỉ có những quốc gia mang tính chất sơ khai của người Êđê, Giarai, Mạ... Tháng 2 năm Tân Mão niên hiệu Hồng Đức thứ 2 (1471), vua Lê Thánh Tông thân chinh đi đánh Chiêm Thành, phá được thành Đồ Bàn, bắt sống vua Champa là Trà Toàn, sáp nhập 3 phần 5 lãnh thổ Champa thời đó vào Đại Việt. Hai phần Champa còn lại, được Lê Thánh Tông chia thành các tiểu quốc nhỏ thuần phục Đại Việt. Phần đất Phan Lung (tức Phan Rang ngày nay) do viên tướng Chăm là Bồ Trì trấn giữ, được vua Lê coi là phần kế thừa của vương quốc Chiêm Thành. Một phần đất nay là tỉnh Phú Yên, Lê Thánh Tông phong cho Hoa Anh vương tạo nên nước Nam Hoa. Vùng đất phía Tây núi Thạch Bi, tức miền bắc Tây Nguyên ngày nay được lập thành nước Nam Bàn, vua nước này được phong là Nam Bàn vương.[2]

Sau khi Chúa Nguyễn Hoàng xây dựng vùng cát cứ phía Nam, các Chúa Nguyễn ra sức loại trừ các ảnh hưởng còn lại của Champa và cũng phái một số sứ đoàn để thiết lập quyền lực ở khu vực Tây Nguyên. Các bộ tộc thiểu số ở đây dễ dàng chuyển sang chịu sự bảo hộ của người Việt. Tuy nhiên, các bộ tộc ở đây vẫn còn manh mún và mục tiêu của các chúa Nguyễn nhắm trước đến các vùng đồng bằng, nên chỉ thiết lập quyền lực rất lỏng lẻo ở đây. Trong một số tài liệu vào thế kỷ XVI, XVII đã có những ghi nhận về các bộ tộc Mọi Đá Vách (Hré), Mọi Hời (Hroi, Kor, Bru, Ktu và Pacoh), Mọi Đá Hàm (Djarai), Mọi Bồ Nông (Mnong) và Bồ Van (Rhadé Epan), Mọi Vị (Raglai) và Mọi Bà Rịa (Mạ) để chỉ các bộ tộc thiểu số sinh trú ở vùng Nam Tây Nguyên ngày nay.

Tuy sự ràng buộc lỏng lẻo, nhưng về danh nghĩa, vùng đất Tây Nguyên vẫn thuộc phạm vi bảo hộ của các chúa Nguyễn. Thời Nhà Tây Sơn, rất nhiều chiến binh thuộc các bộ tộc thiểu số Tây Nguyên gia nhập quân Tây Sơn, đặc biệt với đội tượng binh nổi tiếng trong cuộc hành quân của Quang Trung tiến công ra Bắc xuân Kỷ Dậu (1789)[3]. Tây Sơn thượng đạo, vùng đất phía Tây đèo An Khê là một căn cứ chuẩn bị lực lượng cho quân Tây Sơn thuở ban đầu. Người lãnh đạo việc hậu cần này của quân Tây Sơn là người vợ dân tộc Ba Na của Nguyễn Nhạc.[4]

Thời Nhà Nguyễn

Người Tây Nguyên
đầu thế kỷ XX.

Sang đến triều Nhà Nguyễn, quy chế bảo hộ trên danh nghĩa dành cho Tây Nguyên vẫn không thay đổi nhiều, mặc dù vua Minh Mạng có đưa phần lãnh thổ Tây Nguyên vào bản đồ Việt Nam (Đại Nam nhất thống toàn đồ – 1834). Người Việt vẫn chủ yếu khai thác miền đồng bằng nhiều hơn, đặc biệt ở các vùng miền Đông Nam Bộ ngày nay, đã đẩy các bộ tộc thiểu số bán sơn địa lên hẳn vùng Tây Nguyên (như trường hợp của bộ tộc Mạ).

Trong cuốn Đại Việt địa dư toàn biên, Phương Đình Nguyễn Văn Siêu có viết: Thủy Xá, Hỏa Xá ở ngoài cõi Nam Bàn nước Chiêm Thành. Bấy giờ trong Thượng đạo tỉnh Phú An có núi Bà Nam rất cao. Thủy Xá ở phía Đông núi ấy,... Hỏa Xá ở phía Tây núi ấy, phía Tây tiếp giáp với xứ Sơn Bốc sở nam nước Chân Lạp, phía Nam thì là Lạc man (những tộc người du cư). Phía trên là sông Đại Giang, phía dưới là sông Ba Giang làm giới hạn bờ cõi hai nước ấy.....[5]

Năm 1863 vua Tự Đức lập đơn vị sơn phòng để củng cố và bình định vùng sơn cước của ba tỉnh Quảng Nam, Quảng NgãiBình Định. Tuy mục đính chính là quân sự nhưng cơ sở sơn phòng sau biến thành mạch giao thương giữa miền xuôi và miền núi qua trung gian các thuộc lái trong khi quan lại kiểm soát việc thu thuế. Việc nhũng nhiễu của lái buôn và lạm thu của giới quan liêu khiến người Thượng vì bị bức bách, đã tràn xuống miền xuôi cướp phá nhiều đợt. Quan quân phải truy đuổi đánh dẹp. Hệ thống sơn phòng tồn tại sang thời Pháp thuộc đến năm 1905 thì Chính quyền Bảo hộ ra lệnh bãi bỏ và người Pháp trực tiếp cai trị vùng Cao nguyên.[6]

Thời Pháp thuộc

Sau khi người Pháp nắm được quyền kiểm soát Việt Nam, họ đã thực hiện hàng loạt các cuộc thám hiểm và chinh phục vùng đất Tây Nguyên. Trước đó, các nhà truyền giáo đã đi tiên phong lên vùng đất còn hoang sơ và chất phác này.

Năm 1888, một người Pháp gốc đảo Corse tên là Mayréna sang Đông Dương, chọn Dakto làm vùng đất cát cứ và lần lượt chinh phục được các bộ lạc thiểu số. Ông thành lập Vương quốc Sedang có Quốc kỳ và phát hành giấy bạc, có cấp chức riêng và tự mình lập làm vua xưng là Marie đệ Nhất. Nhận thấy được vị trí quan trọng của vùng đất Tây Nguyên, nhân cơ hội Mayréna về châu Âu vận động xin viện trợ từ các cường quốc Tây phương, chính phủ Pháp đã đưa công sứ Quy Nhơn F. Guiomar (1889 - 1890) lên tiếp thu. Mayréna trên đường trở lại Đông Dương khi quá cảnh Tân Gia Ba thì bị nhà chức trách giữ lại. Chính phủ Pháp cũng ra lệnh cấm Mayréna nhập cảnh. Mayréna mất không lâu sau đó ở Mã Lai. Vùng Tây Nguyên kể từ năm 1889 được đặt dưới quyền quản lý của Công sứ Quy Nhơn và vương quốc Sedang cũng bị giải tán.[7]

Năm 1891, bác sĩ Alexandre Yersin mở cuộc thám hiểm và phát hiện ra Cao nguyên Lang Biang. Ông đã đề nghị với Chính phủ thuộc địa xây dựng một thành phố nghỉ mát tại đây. Nhân dịp này, người Pháp bắt đầu chú ý khai thác kinh tế đối với vùng đất này. Tuy nhiên, về danh nghĩa, vùng đất Tây Nguyên vẫn thuộc quyền kiểm soát của Triều đình Huế. Vì vậy, ngày 16 tháng 10 năm 1898, Khâm sứ Trung Kỳ là Léon Jules Pol Boulloche (1898 - 1900) đề nghị Cơ mật Viện triều Nguyễn giao cho Pháp trực tiếp phụ trách an ninh tại các cao nguyên Trung Kỳ. Năm 1898, khi vương quốc Sedang bị giải tán thì ngay năm sau (tức 1899), thực dân Pháp buộc vua Đồng Khánh ban dụ ngày 16 Tháng 10[7] trao cho họ Tây Nguyên để họ có toàn quyền tổ chức hành chính và trực tiếp cai trị các dân tộc thiểu số ở đây. Triều đình Huế chỉ giữ việc bổ nhiệm một viên quan Quản đạo có tính cách tượng trưng. Năm 1900, Toàn quyền Paul Doumer đích thân thị sáp Đà Lạt và quyết định chọn Đà Lạt làm thành phố nghỉ mát, bắt đầu sự can thiệp trực tiếp trên cao nguyên.

Hành chính thời Pháp thuộc

Về mặt hành chánh năm 1901 người Pháp đặt sở Đại lý ở Trà Mi, tỉnh Quảng Ngãi để quản lý toàn vùng sơn cước bốn tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình ĐịnhPhú Yên. Tuy đây chưa phải là đất Cao nguyên nhưng được dùng làm cơ sở tiếp quản dần, tách rời vùng mạn ngược với miền xuôi.[7]

Năm 1907, tòa Đại lý ở Kontum đổi thành tòa Công sứ Kontum, cùng với việc thành lập các trung tâm hành chính Kontum và Cheo Reo với viên Công sứ Kontum đầu tiên là Guenot. Tiếp theo là tỉnh lỵ Pleiku ra đời, công sứ Pháp đầu tiên là Leon Plantié[7]. Thực dân người Pháp bắt đầu lên đây xây dựng các đồn điền đồng thời cũng ngăn cấm người Việt lên theo, trừ số phu họ mộ được. Năm 1917, thị xã Đà Lạt được thành lập với viên Thị trưởng lúc đó là Cunhac (1916 - 1920).

Năm 1923 thành lập tỉnh Darlac dưới quyền công sứ Pháp Sabatier.[7]

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, người Pháp áp dụng chính sách "chia để trị" triệt để khi thấy tình thế ngày càng bất lợi cho chế độ thực dân. Ngày 27 tháng 5 năm 1946, Cao ủy Đông Dương Georges d’Argenlieu ký văn bản thành lập Xứ Thượng Nam Đông Dương (tiếng Pháp: Pays Montagnards Du Sud Indochinois, PMSI) với quyền tự trị cho sắc dân Thượng cách biệt khỏi quyền quản lý của người Kinh ở miền xuôi.[8]

Quốc gia Việt Nam

Sang thời Quốc gia Việt Nam, Xứ Thượng Nam Đông Dương được trao lại cho Quốc trưởng Bảo Đại dưới tên gọi Hoàng triều Cương thổ. Theo đó thì việc cai trị ở năm tỉnh vùng núi theo một quy chế riêng vẫn bị cách ly khỏi vùng đồng bằng. Thủ tướng Ngô Đình Diệm đã vận động xóa bỏ đơn vị này và sáp nhập Đồng Nai Thượng, Lang Biang, Pleiku, Darlac, và Kontum vào lại Trung phần.[9]

Việt Nam Cộng hòa

Chính quyền Việt Nam Cộng hòa đổi tên tỉnh Lang Biang và sáp nhập với một phần tỉnh Đồng Nai Thượng thành tỉnh Lâm Đồng, đồng thời tách một phần đất sáp nhập với thành phố Đà Lạt, thành lập tỉnh Tuyên Đức.

Chính quyền Việt Nam Cộng hòa chia Cao nguyên Trung Phần thành bảy tỉnh: Kontum, Pleiku, Phú Bổn, Darlac, Quảng Đức, Tuyên ĐứcLâm Đồng với tổng cộng gần một triệu dân với 50% dân số tập trung vào hai tỉnh Darlac và Tuyên Đức.

Sau khi thống nhất

Sau khi thống nhất năm 1976 sau khi chấm dứt chiến tranh Việt Nam, nhà nước Việt Nam gọi chung vùng này là Tây Nguyên, gồm ba tỉnh Đắk Lắk (hình thành từ các tỉnh Darlac, Phú BổnQuảng Đức), tỉnh Gia Lai - Kon Tum (tỉnh Kon Tum sáp nhập với tỉnh Gia Lai) và tỉnh Lâm Đồng (sáp nhập tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Tuyên Đức). Chính quyền có chính sách di dân một số sắc dân từ Vùng Tây Bắc lên Tây Nguyên cũng như thành lập nhiều Khu kinh tế mới tại đây.

Ngày 21 tháng 8 năm 1991, tỉnh Kon Tum được tái lập trên cơ sở chia tách tỉnh Gia Lai - Kon Tum thành hai tỉnh mới là Gia Lai và Kon Tum. Ngày 26 tháng 11 năm 2003, Quốc hội ra Nghị quyết số 22/2003/QH.11, tỉnh Đăk Lăk tách thành hai tỉnh mới là Đăk Lăk và Đăk Nông

Hiện tại, địa bàn Tây Nguyên có 5 tỉnh là Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng.

Các tên gọi trong lịch sử

Xã Đạ K’Năng
Đam Rông, Lâm Đồng
  • Theo Nguyễn Đình Tư trong bài Tây Nguyên xưa và nay, tạp chí Xưa và nay, số 61B, tháng 3 năm 1999, thì địa danh Tây Nguyên được biết đến từ năm 1960, khi công bố Hiến pháp 1959 của Việt Nam Cộng hòa, trong đó có điều khoản về các khu tự trị của các sắc tộc thiểu số và có nhắc đến Tây Nguyên.
  • Trước đó, từ thời Pháp thuộc, vùng đất này chưa có tên gọi riêng mà chỉ là đơn vị hành chính trực thuộc Khâm sứ Trung Kỳ, nên có tên là vùng Cao nguyên Trung Kỳ. Ngoài ra, người Pháp còn gọi nơi này là Les Hauts Plateaux du Sud (Cao nguyên miền Nam). Thời Nhà Nguyễn, vùng đất này được thuộc về Châu Thượng Nguyên (bao gồm Thủy Xá, Hỏa Xá là vùng đất cư trú của người Êđê, Gia Rai, Ba Na và là một phần Tây Nguyên ngày nay)
  • Sau khi Nhật đảo chính Pháp, chính phủ Trần Trọng Kim đã đổi tên đơn vị hành chính cấp Kỳ thành cấp Bộ. Từ đó vùng đất này được gọi là Cao nguyên Trung Bộ trong khi người Pháp thành lập Xứ Thượng Nam Đông Dương (Pays Montagnard du Sud-Indochinois) năm 1946.
  • Khi Quốc gia Việt Nam thành lập, Quốc trưởng Bảo Đại đã đổi tên đơn vị hành chính cấp Bộ thành cấp Phần. Riêng khu vực cao nguyên được tách ra và được hưởng quy chế hành chính đặc biệt có tên là Hoàng triều Cương thổ kể từ năm 1950. Tại vùng này thì Quốc trưởng Bảo Đại vẫn giữ vai trò là Hoàng đế.
  • Đến năm 1955, chính phủ Ngô Đình Diệm chấm dứt chế độ Bảo đại và thành lập nền Đệ Nhất Cộng hòa. Hoàng triều cương thổ lại được sáp nhập vào Trung phần và được gọi là vùng Cao nguyên Trung phần. Tên gọi này được chế độ Việt Nam Cộng hòa sử dụng mãi cho đến năm 1975.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Tây_Nguyên http://www.danchimviet.com/php/modules.php?name=Ne... http://www.shcd.de/van%20hoc/NVHuy/1%20su%20hinh%2... http://zdfree.free.fr/diendan/articles/u149nngoc.h... http://www.tuanvietnam.net/vn/thongtindachieu/5575... http://www.mhro.org/a-debt-too-far http://www.bbc.co.uk/vietnamese/entertainment/stor... http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/story/2006/0... http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2006... http://www.baovietnam.vn/xa-hoi/100093/23/Khai-tha... http://www.baobinhdinh.com.vn/568/2004/2/8866/